07:45 22/05/2020 Lượt xem: 4549
Thoát vị đĩa đệm cột sống là bệnh xương khớp nguy hiểm và phổ biến, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như teo cơ, thậm chí tàn phế nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Thoát vị đĩa đệm thường xảy ra nhất là đoạn cột sống thắt lưng, hay gặp ở L4-L5 và L5,S1.
Vậy thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là gì?
Đĩa đệm là phần nằm giữa các đốt sống, xung quanh là các vòng sợi, chính giữa là nhân nhầy. Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường chèn ép vào dây chằng, ống sống hay các rễ và dây thần kinh vùng cột sống thắt lưng.
Nguyên nhân bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Tuổi tác: Thoái hóa mất nước đĩa đệm và cột sống, làm giảm độ bền chặt của vòng xơ gây xơ cứng và rất dễ dàng bị tổn thương. Đây cũng là nguyên nhân mà đa số các bệnh nhân gặp phải.
Thường xảy ra sau khi bệnh nhân gắng sức mang vác, cúi khom người bưng bê vật nặng hoặc vận động sai tư thế.
Chấn thương vùng lưng.
Các bệnh lý bẩm sinh hoặc mắc phải ở vùng cột sống như gù, vẹo, gai đôi cột sống…
Nhận biết bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng:
Giai đoạn đau thắt lưng cấp tính: Người bệnh bị đau không thể cử động được, đau nhiều khi thay đổi tư thế, ho, hắt hơi.
Trong nhiều trường hợp giai đoạn đầu của bệnh triệu chứng khá nghèo nàn, đến khi nhân nhầy chèn ép vào thần kinh và các cơ quan lân cận, bệnh có thể biểu hiện một số triệu chứng sau:
+ Đau, mỏi âm ỉ, day dẵng vùng thắt lưng, đau tăng khi cúi gập người, ngồi nhiều, lao động nặng, ho và đi lại nhiều. Theo thời gian, cơn đau có xu hướng lan tỏa xuống vùng hông và chi dưới (1 hoặc 2 bên chân).
+ Kèm theo là cảm giác tê, giảm cảm giác, nóng lạnh bất thường, kiến bò hoặc châm chích ở đùi, cẳng chân, mu bàn chân và ngón chân.
Thoát vị đĩa đệm có thể tăng dần theo thời gian, gây chèn ép dây thần kinh và dẫn đến các biến chứng như: yếu liệt chi dưới, teo cơ, mất kiểm soát tiểu tiện, đại tiện….
Một số phương tiện chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng:
Chụp cộng hưởng từ MRI: Chụp MRI được xem là phương tiện quan trọng trong chẩn đoán xác định bệnh thoát vị đĩa đệm. Hình ảnh từ MRI mô tả chi tiết đĩa đệm, dây chằng và các mô mềm bao xung quanh cột sống giúp bác sĩ xác định vị trí và mức độ thương tổn của đĩa đệm.
Ngoài ra ở một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định chụp CT và đo điện cơ.
Hình ảnh thoát vị đĩa đệm trên MRI.
Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng:
1. Điều trị nội khoa
Điều trị bằng thuốc: chủ yếu là thuốc giảm đau, giãn cơ..
Điều trị bằng vật lý trị liệu: đùng các tác nhân vật lý để điều trị.
2. Điều trị ngoại khoa:
Được chỉ định khi điều trị bảo tồn không hiệu quả, bệnh gây biến chứng nặng hoặc một số trường hợp chấn thương cấp.
* Các biện pháp vật lý trị liệu:
Sử dụng nhiệt, bài tập vật lý trị liệu, siêu âm điều trị, điện xung, mang đai lưng … làm giảm cảm giác đau, giảm tê, giảm co cứng cơ, giảm chèn ép.
Đặc biệt phương pháp kéo giãn cột sống đúng chỉ định sẽ làm giảm áp lực nội đĩa đệm, dãn cơ có tác dụng:
- Làm tăng thẩm thấu nuôi dưỡng đĩa đệm, giúp nhân nhày và đĩa đệm căng phồng trở lại.
- Có thể giúp thu nhỏ thể tích đĩa đệm bị lồi hoặc thoát vị nếu khối thoát vị chưa bị xơ hóa. Tạo điều kiện thuận lợi cho đĩa đệm mới bị thoát ở mức độ nhẹ và vừa có thể trở lại vị trí cũ.
- Giảm chèn ép lên các rễ và dây thần kinh sống: làm giảm thể tích khối thoát vị, giảm kích thích rễ, giảm đau, giảm tê. Ngoài ra kéo giãn cột sống có thể điều chỉnh sai lệch của khớp đốt sống và cột sống.
Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là bệnh thường gặp, đa số được điều bảo tồn. Phương pháp vật lý trị liệu kết hợp với sử dụng thuốc theo chỉ định của Bác sĩ sẽ giúp ích cho phần lớn bệnh nhân mà không cần phải can thiệp phẫu thuật.
* Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng tại: Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Cần Thơ
Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Cần Thơ đã và đang điều trị cho rất nhiều trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng các phương pháp vật lý trị liệu. Với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại: máy kéo giãn cột sống, máy siêu âm điều trị, máy điện xung 4 kênh…sẽ giúp người bệnh hạn chế dùng thuốc, phục hồi tốt.
Tác giả: Lê Diễm