CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG BỆNH CÚM

 15:02 21/03/2025        Lượt xem: 48

CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG BỆNH CÚM
  1. Bệnh cúm là gì?

       Bệnh cúm còn được gọi là cúm mùa, là loại bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus Influenza gây ra. Có 3 chủng virus gây bệnh ở người là chủng cúm A, B và C (virus cúm D tìm thấy ở gia súc và chưa có ảnh hưởng đến con người). Trong đó, virus chủng cúm A, B là nguy hiểm và lưu hành phổ biến hơn cả (virus cúm C gây bệnh nhẹ ở người, giống với bệnh cảm lạnh thông thường). Bệnh thường xuất hiện vào mùa Đông Xuân, có khả năng lây nhiễm cao qua đường hô hấp và sẽ gây thành đại dịch. Nếu người bệnh không được phát hiện điều trị sớm, có thể dẫn đến biến chứng viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, nhiễm trùng huyết… và tử vong; ngoài ra có thể tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, dị tật bẩm sinh ở thai nhi…

 

2. Các con đường lây nhiễm virus cúm

 

- Lây qua giọt bắn hô hấp truyền trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện,...

- Có thể nhiễm virus này khi chạm tay, tiếp xúc vào các bề mặt dính virus sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng.

- Sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt hoặc tiếp xúc với các đồ vật trong gia đình (bàn, ghế, giường, tủ...) mà người mắc cúm đã sử dụng.

- Tiếp xúc với động vật nhiễm cúm, bao gồm heo, ngựa và các loài chim, gia cầm.

3. Phân biệt bệnh cúm và cảm lạnh

     Bệnh cảm lạnh có thể gây ra bởi hơn 200 loại virus khác nhau, trong đó phổ biến nhất là Rhinovirus với hơn 100 chủng khác nhau. Ngoài ra, các loại virus thường gặp khác có thể gây cảm lạnh là Coronavirus (không phải loại virus gây ra đại dịch vào năm 2020), Enterovirus,…

     Cúm và cảm lạnh đều là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, gây ra bởi các tác nhân khác nhau nhưng có các triệu chứng lâm sàng tương đồng nhau. Vì vậy rất khó để nhận biết và phân biệt 2 loại bệnh này. Tuy nhiên, các triệu chứng do bệnh cúm gây ra thường nghiêm trọng và kéo dài hơn so với bệnh cảm lạnh thông thường, có thể phân biệt cúm và cảm lạnh thông qua các triệu chứng sau đây:


phân biệt các triệu chứng của cúm và cảm lạnh

(Các triệu chứng của bệnh cúm thường nặng nề và dai dẳng hơn so với cảm lạnh thường).

4. Cách phòng ngừa bệnh cúm

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: rửa tay sạch, thường xuyên với xà phòng; vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý; che miệng khi hắt hơi, đeo khẩu trang khi ra đường và chỗ đông người; trong mùa dịch cần tránh tụ tập đông người…

- Vệ sinh sạch sẽ, thực hiện sát khuẩn nơi ở, lớp học, nơi làm việc, bàn làm việc….

- Luôn giữ ấm cơ thể, nhất là khi thời tiết trở lạnh, hoặc khi đi ngoài trời vào buổi tối, buổi sáng sớm,(chú ý các vị trí quan trọng như ngực, cổ, đầu, bàn tay, bàn chân).

- Phải uống nước ấm, tránh những thức ăn lấy trực tiếp từ tủ lạnh như: kem, đá, nước lạnh…

- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng; đảm bảo đủ các nhóm dưỡng chất như: Tinh bột, chất đạm, chất béo, rau củ quả, các nhóm vitamin và khoáng chất, nhất là vitamin C nhằm tăng cường hệ miễn dịch; Kết hợp với luyện tập thể dục, thể thao để nâng cao thể trạng, đồng thời giúp phát triển thể chất và tinh thần.

- Khi có các triệu chứng cúm như: Sốt, ho, sổ mũi, đau đầu... nên đến các cơ sở y tế khám để xác định bệnh và có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh.

- Không tự ý sử dụng thuốc nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ….

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ nếu không thật sự cần; phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa cá nhân nếu phải tiếp xúc.

- Tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn.

     Từ đầu năm 2025 đến ngày 07/02/2025, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và các bệnh viện đã ghi nhận gia tăng đáng kể số ca bệnh cúm (cả nước có hơn 900 trường hợp mắc cúm), trong đó, nhiều ca biến chứng nặng với các biểu hiện ho nặng, kéo dài, sốt cao và khó thở…

     Với tinh thần góp phần công tác phòng chống dịch bệnh, Bệnh viện CH-PHCN Cần Thơ thông tin thêm về bệnh cúm đến toàn thể viên chức, người lao động Bệnh viện cũng như người dân biết, và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh, ngăn ngừa bệnh thành dịch, nhằm bảo vệ tốt sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

BS. Nguyễn Thanh Nhàn.

:              (4.9/5 : 1037186 )
Tin liên quan
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay321
  • Tháng hiện tại12.066
  • Tổng lượt truy cập1.037.186
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây